Làng gốm truyền thống khu vực miền Trung: Phát triển bền vững làng nghề gốm gắn với du lịch

Làng nghề gốm khu vực Miền Trung Việt Nam luôn là đối tượng quan tâm nghiên cứu của đông đảo các nhà khoa học. Vấn đề cốt lõi là nhận diện được những đặc trưng cơ bản của làng gốm truyền thống vốn dĩ đã tồn tại từ hàng trăm năm lịch sử. Tại đây đang thường xuyên diễn ra những tiếp biến văn hóa giữa quá khứ và hiện tại.

Phát triển bền vững gắn với dịch vụ du lịchĐộng lực chính của du khách, khi đến thăm làng gốm là “Xem tính xác thực và môi trường xung quanh” và “Nghiên cứu lịch sử độc đáo”. Điểm đánh giá hai nội dung trên trung bình là 4,85 và 4,76 (trên 5). Trong hình, hơn 98% du khách lưu ý hai yếu tố này là phần nào quan trọng hoặc quan trọng đối với việc họ chọn làng gốm làm điểm đến trong hệ thống các làng nghề. Yếu tố quan trọng tiếp theo kéo du khách đến tham quan làng gốm là “Biết các sự kiện văn hóa” và “Tìm hiểu về cuộc sống hàng ngày” của người dân địa phương, cũng như “Tham gia các hoạt động thú vị cùng người dân địa phương”. Điểm trung bình cho những yếu tố này lần lượt là 4,50, 4,36 và 4,17 trên 5 – tất cả đều cao điểm số. Hơn 91% du khách ghi nhận 3 yếu tố này là quan trọng hoặc phần nào là động lực quan trọng khiến họ chọn làng gốm làm điểm đến

Hiện vật gốm Quảng Đức dòng đất nung với kỹ thuật nung của người Chăm
Hiện vật gốm Quảng Đức dòng đất nung với kỹ thuật nung của người Chăm

Hiện trạng không gian kiến trúc trong các làng nghề truyền thống do tồn tại của lịch sử nên hầu hết vẫn là manh mún, nhỏ lẻ, rời rạc, thiếu sự liên kết tập trung. Vì vậy, trước mắt để đáp ứng dịch vụ phát triển du lịch cần có biện pháp bổ sung không gian chức năng cho cấu trúc không gian làng nghề truyền thống. Trên cơ sở quy hoạch chung, xác định thiết lập những cơ sở vật chất tối cần cho dịch vụ từ khâu đầu đến khâu cuối bao gồm: Bãi đậu xe, phương tiện trung chuyển khách (nếu cần), khu đón tiếp lễ tân, tuyên truyền quảng bá, giới thiệu kết hợp các dịch vụ giải khát nghỉ chân nhẹ, cung cấp các phương tiện mũ, nón, khu WC…Tại các điểm đến tham quan, trải nghiệm nghề, cần có lực lượng nghề thao tác kỹ thuật, hướng dẫn làm mẫu, thuyết minh viên, chăm sóc khách kể cả việc giới thiệu nơi ăn uống ngủ nghỉ nếu khách cần. Các điểm tham quan nghề cần kết nối với các hoạt động tham quan di tích, cảnh quan, tham gia hoạt động chiêm ngưỡng hoạt động văn hóa tâm linh, lễ nghi, giải trí, mua sắm các đặc sản nghề và các loại khác của địa phương.

Mục tiêu chính của việc hình thành các điểm du lịch trên nền tảng không gian kiến trúc chung chính là tăng cường cung cấp những những kiến thức, kỹ năng vận dụng tổng hợp về các điểm đến như địa lý, lịch sử phong tục, các đặc điểm của điểm đến, các điểm tham quan, đồng thời quan tâm lưu ý cách thức ứng xử của cộng đồng dân cư địa phương, đến các sự kiện đặc biệt về các lễ hội, khí hậu, tính mùa vụ liên quan đến thời gian tham quan, đến an toàn và sức khỏe, các phương tiện dành cho du khách, những cảnh báo khác về du lịch có thể ảnh hưởng với điểm đến. Liên tục bổ sung, hoàn thiện để tạo tuyến điểm du lịch lý thú, hấp dẫn, thân thiện. Đặc biệt chú ý liên kết phát triển loại hình Du lịch đô thị cũ và các Đô thị mới…để trở thành điểm đến cho khách du lịch thưởng ngoạn lối sống Đô thị, kiến trúc và không gian loại đô thị kết nối với nông thôn. Duy trì, phát triển thêm các loại hình du lịch văn hóa, sinh thái, cộng đồng và nghỉ dưỡng. Nghiên cứu và hết sức coi trọng tổ chức Du lịch sinh thái gắn với tâm linh, với làng nghề truyền thống, với từ thiện…Bám sát tuyến du lịch khác đã hình thành từ trước liên quan gần với làng nghề truyền thống để thiết lập các tuyến nhánh cho không gian làng nghề. Ở những nơi gần sông ngòi cần tận dụng tối đa tuyến du lịch dọc sông. Về nguyên tắc tổ chức các tuyến du lịch, điểm du lịch, cụm điểm du lịch nhằm đem lại cho khách du lịch một trải nghiệm du lịch hấp dẫn và gắn kết toàn diện. Trải nghiệm của khách du lịch trong một tuyến, điểm, cụm điểm du lịch không chỉ phụ thuộc vào sự hấp dẫn của các điểm tham quan chính, mà còn phụ thuộc vào chất lượng và hiệu quả của sự hợp tác của tất cả các tổ chức quan tâm tới phát triển thị trường du lịch như các dịch vụ khách sạn, nhà hàng, mua sắm và giao thông. Có nhiều cách khác nhau để tập trung các điểm du lịch thành cụm điểm du lịch, trong đó có thể dựa vào cam kết giá trị dịch vụ, phân khúc khách hàng mục tiêu hoặc khách hàng mục đích du lịch. Cố gắng hình thành thiết lập các tuyến, cụm, điểm du lịch thường được giới hạn trong các khu vực địa lý hẹp, trong đó khách du lịch ít phải di chuyển, sao cho một địa điểm tham quan có thể thuộc nhiều cụm du lịch khác nhau, có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Trong thời đại ngày nay, việc kết nối, phối hợp giữa các nghề, các điểm đến, các địa phương càng hết sức cần thiết. Sao cho tạo nên một hệ thống không gian kiến trúc hỗ trợ san sẻ cho nhau để làm phong phú hơn, tạo sức hấp dẫn du lịch cao đối với làng nghề truyền thống. Trong đó, cách tổ chức hệ thống tuyến, điểm vẫn là phương án tối ưu. Trên một hoặc nhiều tuyến chung, các điểm sẽ bổ sung làm phong phú cho hoạt động du lịch.